Home » Documents » Báo cáo tóm tắt: Phát triển và thử nghiệm khung chỉ số giám sát tác động của VPA-FLEGT đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành gỗ ở Việt NamVous êtes ici:  
Báo cáo tóm tắt: Phát triển và thử nghiệm khung chỉ số giám sát tác động của VPA-FLEGT đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành gỗ ở Việt Nam
Par: Centre for Sustainable Rural Development (SRD)
Publié: juillet 22, 2020
Pays: Vietnam
Type de document: Recherche académique
Document ID: 8666
Nombre de vues: 1305
Envoyer ce document par email
Báo cáo tóm tắt: Phát triển và thử nghiệm khung chỉ số giám sát tác động của VPA-FLEGT đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành gỗ ở Việt Nam

Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã bắt đầu có hiệu lực thực hiện từ tháng 6/2019, đặt dấu mốc quan trọng về thành tựu của quá trình đàm phán giữa hai bên được bắt đầu từ năm 2010. Là một trong 15 quốc gia trên toàn cầu, và trong 5 quốc gia ở Châu Á tham gia đàm phán, thực hiện Hiệp định VPA-FLEGT, Việt Nam và EU cùng cam kết hướng đến mục tiêu quản lý bền vững tất cả mọi loại rừng thông qua xây dựng và thực hiện khung pháp lý nhằm đảm bảo tất cả sản phẩm gỗ từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU được sản xuất hợp pháp, từ và bằng nguồn gỗ hợp pháp. Để đạt mục tiêu đó, Việt Nam đã thiết lập Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS) – bao gồm các quy định yêu cầu mọi nguồn gỗ đưa vào sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam, tiêu thụ tại thị trường nội địa hay nước ngoài đều phải đảm bảo hợp pháp, riêng xuất khẩu sang thị trường EU phải tuân thủ thêm cơ chế cấp phép FLEGT. Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) là cơ quan đầu mối quốc gia tham mưu ban hành các quy định và hướng dẫn nói trên, gắn liền với tiến trình nội luật hóa việc thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017.

Tháng 11/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện VPA-FLEGT. Việc thực hiện Hiệp định này chịu sự chỉ đạo và giám sát của Ủy ban Thực thi Chung (JIC), thành lập năm 2019, do lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Phái đoàn EU tại Việt Nam đồng chủ trì. Hỗ trợ kỹ thuật cho JIC là các chuyên gia của cả hai bên thông qua các cuộc Họp chuyên gia chung (JEM). Ngoài ra, để thúc đẩy sự tham gia và điều phối về thực hiện Hiệp định, năm 2017, phía Việt Nam đã thành lập Nhóm nòng cốt đa bên (MSCG) đồng chủ trì bởi Tổng cục Lâm nghiệp và một bên khác được đề cử trong số hơn 30 đại diện các bên tham gia đến từ các hiệp hội ngành công nghiệp gỗ, trồng rừng, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, cơ quan nghiên cứu và đối tác phát triển. Đây là diễn đàn quan trọng, hoạt động theo định kỳ nhằm trao đổi thông tin, tư vấn, góp ý và đề xuất các mối quan tâm về thực hiện các cam kết của Hiệp định đến JIC để xem xét và quyết định như truyền thông, công bố thông tin, tăng cường năng lực, hay giám sát và đánh giá thực hiện VPA-FLEGT.

Trong văn bản Hiệp định VPA-FLEGT đã có mô tả về Tiêu chí đánh giá tính sẵn sàng vận hành VNTLA (theo Phụ lục VII) hay Điều khoản tham chiếu cho Đánh giá độc lập (theo Phụ lục VI), trong khi chưa có hướng dẫn thực hiện Giám sát tác động VPA-FLEGT. Các bên quan tâm có thể thiết kế và thực hiện các giám sát độc lập về thực hiện VPA-FLEGT, trong khi Kế hoạch thực hiện VPA-FLEGT của Việt Nam cũng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện giám sát tác động về kinh tế, xã hội và môi trường của thực hiện VPA-FLEGT, đồng thời xác định và áp dụng các biện pháp giảm thiểu các tác động không mong muốn. Như vậy , các cơ chế giám sát tác động khác nhau sẽ có thể tạo ra các giá trị và đóng góp tích cực như cam kết về sự tham gia tại Điều 15, và đó cũng là cách để góp phần cải thiện quản trị rừng. Thành lập năm 2012, Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VNGO-FLEGT) đã tích cực tham gia và đóng góp cho giai đoạn đàm phán VPA-FLEGT giữa Việt Nam và EU thông qua các hoạt động tham vấn, nghiên cứu và đối thoại với một số nội dung quan trọng về đảm bảo an toàn xã hội, nhất là quyền và lợi ích của các hộ gia đình và cộng đồng địa phương, hướng đến một thỏa thuận nhằm chấm dứt khai thác gỗ bất hợp pháp, cải thiện quản trị rừng và thương mại gỗ hợp pháp bền vững. Thông qua hỗ trợ và hợp tác từ FERN, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) – cơ quan điều phối VNGO-FLEGT đã huy động thành viên mạng lưới và chuyên gia đánh giá tác động của VPA-FLEGT đến sinh kế hộ gia đình trồng rừng, sống dựa vào rừng, giới và các doanh nghiệp chế biến gỗ siêu nhỏ hiện diện trong chuỗi cung ứng gỗ ở Việt Nam. Các kết quả đánh giá này đã được Mạng lưới chia sẻ và đối thoại với các bên trong quá trình đàm phán và chuẩn bị thực hiện VPA-FLEGT. Bước sang giai đoạn chuẩn bị và thực hiện VPA-FLEGT, SRD và VNGO-FLEGT tiếp tục quan tâm đến tác động của Hiệp định đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ngành công nghiệp chế biến gỗ (CNCBG) của Việt Nam – là nhóm lớn nhất tham gia chuỗi cung ứng gỗ và có mối quan hệ gần gũi với các hộ gia đình và cộng đồng lâm nghiệp ở Việt Nam. Là một thành viên MSCG, việc VNGO-FLEGT tiên phong phát triển và thử nghiệm khung chỉ số giám sát tác động của VPA-FLEGT đối với DNVVN có ý nghĩa góp phần thực hiện các Điều 15 và 16 của Hiệp định này.

Bối cảnh trên đã thúc đẩy Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) – tổ chức điều phối Mạng lưới VNGO-FLEGT – quyết định lựa chọn phát triển và thử nghiệm khung giám sát tác động của VPA đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ngành công nghiệp gỗ (CNG) của Việt Nam. Thực hiện trong khuôn khổ dự án Rừng, Quản Trị, Thị trường và Khí hậu (FGMC) do DFID tài trợ (2018 -2021), sáng kiến này hướng đến xây dựng năng lực và thể chế tham gia cho các tổ chức xã hội và các hiệp hội gỗ về giám sát và đánh giá tác động của VPA-FLEGT ở Việt Nam.